Tin tức ATV

Giá thép tăng vọt, ngành xây dựng điêu đứng

Biên tập bởi Nguyen By Cập nhật 11/10/2021 66 0

TTO – Chỉ từ đầu năm đến nay, giá sắt thép trong nước đã tăng 40 – 50% khiến nhiều người xây nhà gặp khó khăn vì đội vốn, nhiều nhà thầu rơi vào cảnh đang có lời hóa ra lỗ, thậm chí phá sản.

Cùng với sắt thép, nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, ximăng, gạch đá… cũng té nước theo mưa khiến giá thành xây dựng bị đẩy lên, đẩy nguy cơ tăng giá nhà ngay trong những tháng cuối năm nay.

Nhiều nhà thầu có nguy cơ sụp đổ

Vừa nhận được thông tin tăng giá lần thứ 10 của một doanh nghiệp thép tại phía Nam, ông Vũ Huy Hoàng – tổng giám đốc Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng Hải Âu (HACO) – than thở với việc tăng giá liên tục như thời gian qua, các nhà thầu xây dựng không dám ký hợp đồng mới.

Trong khi đó, những hợp đồng đã ký trước đó thì đang rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng vì giá thép và vật liệu xây dựng tăng đột biến tới 40 – 50% so với cuối năm 2020. Chỉ một dự án hơn 10 căn nhà tại Long An cho một chủ đầu tư, thế mà chỉ riêng tiền thép, HACO phải bù vào 2 tỉ đồng.

Cụ thể, đối với thép tròn (dùng làm bêtông cốt thép) cuối năm 2020 có giá 13 triệu đồng/tấn thì đến tuần qua lên 18,5 triệu đồng/tấn và đầu tuần này lên tới 19 triệu đồng/tấn. Nhưng thép hình và thép tấm (xây dựng các nhà máy) còn tăng cao hơn nữa.

Hồi đầu năm nay thép này có giá 15 – 16 triệu đồng/tấn thì nay đã lên tới 24 – 25 triệu đồng/tấn, tăng 66%.

“Chỉ trong 5-6 tháng mà giá thép tăng tới 40 – 60%, như vậy không nhà thầu nào chịu nổi nếu đã ký hợp đồng từ trước, cầm chắc thua lỗ. Không những vậy, giá thép vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại nên ngành xây dựng rơi vào khủng hoảng. Các nhà thầu như chúng tôi không dám bỏ giá thầu, vì bỏ giá cao thì thua chắc, còn bỏ giá thấp thì nguy cơ thua lỗ.

Bản thân các nhà cung cấp thép cho chúng tôi cũng yêu cầu đặt cọc ngay mới chốt giá vì họ cũng không thể biết các nhà máy sản xuất thép sẽ tăng giá lúc nào trong thời gian tới” – ông Hoàng phân tích.

Có ba công trình dân dụng và đã ký thỏa thuận với chủ nhà về tiến độ xây dựng, nhưng ông B.T.H. – giám đốc Công ty xây dựng M.K (Tân Bình) – chỉ mới tiến hành được một công trình xây nhà liền kề sau khi thống nhất được với chủ nhà về sự biến động của giá thép.

Theo ông B.T.H., khi công ty bắt đầu ký hợp đồng với chủ nhà đầu tháng 4-2021, giá thép dao động từ 18,4 – 18,75 triệu đồng/tấn. 10 ngày sau, giá thép nhảy vọt lên 19,4 – 19,5 triệu đồng/tấn khiến ông chới với. Đàm phán với chủ nhà không xong, công ty chấp nhận phải xử lý phần chi phí do giá thép “đội” lên.

“Đến nay giá thép tiếp tục vọt lên 19,8 – 19,9 triệu đồng/tấn, tăng thêm khoảng 4% so với cách đây hai tuần. Và trong các đàm phán giá với khách hàng từ đầu tháng 5-2021 đến nay, tôi đều nói rõ thép giao đến công trình thời điểm nào thì chốt giá đó” – ông B.T.H. phân trần.

Theo các nhà thầu xây dựng, với nhà dân dụng thì thép cây tròn chiếm khoảng 10 – 20% giá trị. Với nhà xưởng sắt thép chiếm tới 25 – 30%. Như vậy chỉ riêng thép thôi thì nhà thầu đã lỗ khoảng 15 – 20% so với giá trúng thầu. Nhà dân dụng thì chi phí tăng 15 – 20%, còn nhà xưởng tăng cao hơn nữa.

Nếu như trước đây một công trình nhận thầu là 100 tỉ thì nay phải lên tới 130 tỉ mới dám nhận. Trong khi đối với ngành xây dựng tỉ lệ lợi nhuận của những nhà thầu quy mô vừa ở mức 5 – 6%. Các công trình dân dụng, thời gian thi công thường từ 1 năm trở lên nên nguy cơ bị tác động bởi trượt giá là rất lớn.

Với giá tăng như thời gian qua thì rất nhiều công ty xây dựng rơi vào khủng hoảng, thậm chí sụp đổ.

Cũng theo ông Vũ Huy Hoàng, đâu chỉ có sắt thép, xăng dầu cũng tăng giá làm chi phí vận chuyển nguyên liệu tăng lên 20 – 30%, cát và đá tăng giá từ 15 – 20%, gạch xây tăng 10%, ximăng tăng, gạch ốp lát tăng, bêtông tăng… 5 – 10%.

“Chúng tôi đã có những đơn gửi các chủ đầu tư hỗ trợ về giá thép tăng quá nóng, tuy nhiên chưa nhận được sự chia sẻ nào” – ông Hoàng cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ